HSBC: Kinh tế Việt Nam đang chuyển biến tốt hơn

Trong báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam do Ngân hàng HSBC Việt Nam công bố ngày 4-11 cho thấy, nhiều chỉ số tuy còn tăng chậm nhưng chắc chắn, nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng chuyển biến tốt hơn!

Tăng trưởng kỳ vọng ở mức 5,2%.

Theo công bố, chỉ số nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất (PMI) của Việt Nam trong tháng 10 giữ mức 51,5 điểm– vẫn ở trên ngưỡng 50 điểm trong hai tháng liên tiếp. Sản lượng, đơn hàng mới, nhân công việc làm và số lượng hàng mua đều tăng. Giá cả đầu vào giảm phản ánh tình hình lạm phát đã giảm tốc từ mức 6,3% trong tháng 9 xuống còn 5,9% trong tháng 10. Những điều tồi tệ nhất về một nền kinh tế trì trệ dường như đã được vượt qua, tăng trưởng trong ngắn hạn vẫn còn thấp do nhu cầu nội địa còn chậm chạp.

Tăng trưởng cả năm 2013 đang được kỳ vọng ở mức 5,2%. Mức tăng trưởng này dù tốt hơn mức 5% được ghi nhận trong nửa đầu năm nhưng cũng không mấy hào hứng. Đồng thời, mặt dù đà hồi phục hy vọng sẽ tiếp tục trong năm 2014, nhưng năm 2014 mức tăng trưởng cũng chỉ có thể tăng trưởng nhẹ ở mức 5,4%. Sự suy giảm là một thực tế nghiêm túc cho thấy khủng hoảng nợ xấu của Việt Nam đã làm giảm ham muốn tiêu dùng và sức hấp dẫn của đầu tư.

Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn những con số, có những lý do mà mọi người có thể lạc quan về viễn cảnh tương lai của Việt Nam. Những nhà làm chính sách đã hiểu sự cần thiết của cải cách. Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, đặc biệt là đất nước đang sở hữu lực lượng dân số trẻ và không ngừng tăng trưởng với con số 90 triệu người.

Mức GDP bình quân đầu người thấp khoảng 1.700 USD cho thấy Việt Nam còn rất nhiều cơ hội để nâng mức thu nhập. Đây không phải là một bài toán dễ dàng. Chìa khoá thành công là cần phải đưa lực lượng lao động dư thừa chưa được đào tạo và lực lượng lao động ở khu vực nông thôn trở thành nguồn lao động có năng suất cao hơn.

Việc Chính phủ thúc đẩy thu hút nguồn vốn trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là vào ngành sản xuất, được xem là tích cực. Từ tháng Giêng đến nay, dòng vốn FDI đăng ký đã tăng 95,8% so với cùng kỳ năm ngoái đạt mức 13,1 tỷ USD. Dòng vốn FDI vào ngành sản xuất còn tốt hơn, tăng 136,5% đạt 9,3 tỷ USD. Điều này giúp tăng nhu cầu lao động và thúc đẩy đầu tư và xuất khẩu – các yếu tố cần thiết để bù đắp tình trạng nhu cầu nội địa trì trệ.

Chuyển dịch về phía trước

Cùng với nhu cầu tăng cao, các nhà sản xuất cũng cho biết giá cả đầu vào trong tháng 10 đã giảm từ mức 55,9 điểm trong tháng 9 xuống còn 55,1 điểm. Điều này đã giúp các nhà sản xuất tăng giá bán lần đầu tiên kể từ tháng 3.2013 nhằm giảm bớt áp lực chi phí. Giá cả đầu vào giảm đã thể hiện rõ trong chỉ số CPI toàn phần tháng 10 của Việt Nam khi giảm từ mức 9,1% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái còn 8% trong tháng 10. Nguyên nhân chỉ số CPI giảm đa phần là nhờ vào chi phí vận chuyển và giáo dục thấp hơn.

Một trong nhưng nguy cơ đối với lạm phát trong những tháng tới có lẽ xuất phát từ giá cả thực phẩm tăng mà có thể thấy trong chỉ số tháng 10 (tăng từ 3,5% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái lên 4,1%). HSBC nhận định, lạm phát giá cả thực phẩm sẽ tăng từ từ, đặc biệt là từ nay đến cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, áp lực lạm phát dường như sẽ được kiềm chế nhờ vào giá cả hàng hoá toàn cầu thấp, và từ đó sẽ giúp chi phí vận chuyển giảm xuống.

Từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tín dụng đã tăng rất ít chỉ ở mức 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy vấn đề nợ xấu của Việt Nam vẫn còn chưa được giải quyết hoàn toàn mặt dù Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC) đang rất nỗ lực trong việc mua lại nợ xấu từ các ngân hàng. Kết quả này dẫn đến việc cho vay yếu và làm ảnh hưởng đến mức độ lạc quan của khối doanh nghiệp tư nhân…/.

Tác giả bài viết: Lê Thu

Nguồn tin: baohaiquan.vn