Trước tình hình khó khăn, nhiều DN dược đã chủ động xoay xở để đảm bảo mức tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận.
Theo thống kê, nhu cầu sử dụng thuốc trong nước liên tục tăng trưởng hàng năm với tốc độ trung bình 18% (từ năm 2008-2012), tuy nhiên giá trị thuốc sản xuất trong nước chỉ mới chiếm khoảng 46 – 50% tổng giá trị thuốc sử dụng trong nước. Tỷ trọng này suy giảm dần từ năm 2007 và phần còn lại là nhập khẩu. Số liệu từ Tổng cục Hải quan, 8 tháng năm 2013, kim ngạch nhập khẩu dược phẩm của Việt Nam tăng 5,7% so với cùng kỳ, đạt 1,2 tỷ USD. Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dược phẩm cũng tăng 7,1%, đạt 193 triệu USD, phần lớn từ Trung Quốc, Ấn Độ. Điều này khiến các DN dược Việt Nam chịu cạnh tranh gay gắt với các tập đoàn đa quốc gia như Sanofi, GSK, Novartis…
Cùng với đó, việc áp dụng quy định về đấu thầu thuốc vào các cơ sở y tế theo Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC từ tháng 6-2012 có ảnh hưởng đến doanh thu hệ điều trị của các DN dược trong nước. Theo Thông tư 01, những sản phẩm tham gia cùng gói thầu đạt điểm tiêu chuẩn kỹ thuật trên mức điểm sàn và có giá thấp nhất sẽ trúng thầu. Do đó, phần lớn các DN trong nước gặp bất lợi khi mặt bằng giá bán tương đối cao hơn do đầu tư nhiều về máy móc hiện đại để đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng thuốc, thương hiệu.
Trước những khó khăn nêu trên, nhiều DN đã tìm được hướng giải quyết cho riêng mình. Cụ thể Công ty CP Dược Hậu Giang (DHG) khai thác hiệu quả từ lợi thế về hệ thống phân phối rộng khắp 24 tỉnh, thành Việt Nam và chiến lược linh hoạt ở nhiều phân khúc thị trường khác nhau. Cùng với đó, sản phẩm chủ lực của DHG vẫn là các dòng thuốc phổ thông, không đòi hỏi sự phức tạp trong quá trình sản xuất, không cần toa bác sĩ và được sử dụng một cách rộng rãi. Hiện, DHG đang phát triển thêm các dòng sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên như Naturenz, Spiruna, Natto Enzym… nhằm đón đầu thị trường trong xu hướng chuyển dịch từ các sản phẩm tân dược với nhiều tác dụng phụ sang các sản phẩm thân thiện với sức khỏe con người. Trong khi đó, Công ty CP Dược phẩm Imexpharm (IMP) lại chọn hướng đi riêng bằng cách tập trung vào chất lượng sản phẩm với nguồn nguyên liệu chất lượng cao được nhập hầu hết từ các nước châu Âu – Bắc Mỹ kết hợp đầu tư lớn cho dây chuyền sản xuất theo công nghệ châu Âu (chủ yếu nhập từ Đức), chấp nhận giá bán cao hơn các đối thủ cạnh tranh do không dùng các nguyên liệu giá rẻ từ các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan… từ đó đảm bảo tính sinh khả dụng cao (hiệu quả của thuốc sau khi uống) và hạn chế tối đa các tác dụng phụ lên cơ thể bệnh nhân.
Công ty CP Dược phẩm Cửu Long (DCL) cũng tận dụng thế mạnh là nhà máy sản xuất capsule (viên nang rỗng) duy nhất tại Việt Nam, không những đáp ứng nhu cầu tự sản xuất dược phẩm của DCL mà còn cung cấp số lượng lớn cho nhiều DN dược lớn trong nước. Trong năm 2013, DCL đã mạnh tay cắt giảm các mảng hoạt động không mang lại hiệu quả, thay đổi về căn bản chính sách quản trị hàng tồn kho, khoản phải thu, từ đó cải thiện đáng kể dòng tiền hoạt động trong kỳ. Công ty CP Dược phẩm Traphaco (TRA) cũng tiếp tục phát huy thế mạnh từ dòng sản phẩm đông dược, cùng với làm chủ nguyên vật liệu đầu vào (sử dụng 80% nguyên liệu trong nước). Tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC), sản phẩm chủ lực là các sản phẩm generic với trọng tâm là các dòng kháng sinh, tim mạch, tiểu đường, giảm béo phì… với nguồn nguyên liệu đa dạng chủ yếu được nhập khẩu từ các nhà cung ứng lớn tại Trung Quốc và Ấn Độ đã giúp DMC tạo nên lợi thế cạnh tranh về giá nguyên liệu đầu vào so với các đối thủ. Hoạt động trực tiếp xuất khẩu dược phẩm cũng đang được DMC chú trọng khi lợi nhuận từ mảng này khá cao do không tốn các chi phí bán hàng và chi phí đặc thù của ngành dược. Kim ngạch xuất khẩu của DMC đang ổn định ở mức 2 triệu USD/năm tại các thị trường chủ lực như Myanmar, Philippines, Campuchia… do DMC có khả năng đáp ứng linh hoạt các yêu cầu của đối tác về chất lượng, giá cả, quy mô…
Từ những hướng đi đã lựa chọn, hầu hết các DN đều đã hoàn thành 70 – 80% kế hoạch cả năm về doanh thu và lợi nhuận sau 9 tháng năm 2013. Trong các tháng cuối năm 2013, tình hình kinh doanh dự báo sẽ tăng nhẹ so với quý III-2013. Với việc tập trung khai thác sản phẩm có tỷ suất sinh lợi cao, đa phần các DN sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm. Về dài hạn, tiềm năng tăng trưởng ngành dược Việt Nam được dự báo tiếp tục cao, vì ở giai đoạn kinh tế nào nhu cầu sử dụng thuốc đều tăng. Xét về quy mô thì thị trường tân dược của Việt Nam vẫn còn khá nhỏ so với các nước trong khu vực. Theo dự báo của BMI (Business International Monitor), về dài hạn, ngành dược Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 17,2%/năm trong giai đoạn 2013 – 2016.
Tác giả bài viết: Nguyễn Hiền
Nguồn tin: baohaiquan.vn